Tin hot

Bước tiến vượt bậc của phân bón hữu cơ


Trong bối cảnh giá phân bón vô cơ tăng cao, việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã có bước tiến vượt bậc, góp phần giảm bớt gánh nặng cho nông dân.

Cứu cánh cho sản xuất trong "bão giá" phân bón vô cơ

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã chủ động xây dựng các chương trình hành động, hợp tác chặt chẽ, cụ thể với các đơn vị, doanh nghiệp về phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học; xây dựng các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm chi phí đầu vào...

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Đến nay, Cục BVTV đã lựa chọn ký kết hợp tác, đồng hành cùng với 23 doanh nghiệp tập huấn cho nông dân sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nông hộ; xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả trên các đối tượng cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp.

Bên cạnh đó, đã ký kết với 12 doanh nghiệp thuốc BVTV hướng dẫn, tập huấn người dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách; xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển và sản xuất thuốc BVTV sinh học...

Điểm mới trong chương trình hợp tác giữa Cục BVTV và các doanh nghiệp hiện nay là đề cao trách nhiệm của các bên tham gia, cụ thể: Phía doanh nghiệp phải cam kết và chịu trách nhiệm về những chương trình mà mình đã ký kết. Về phần mình, Cục BVTV sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, cử cán bộ giám sát.

Trong quá trình triển khai các chương trình hợp tác, Cục BVTV sẽ cùng với các đơn vị báo chí, truyền thông trực tiếp kiểm tra, đánh giá. Các mô hình thực sự hiệu quả, khi triển khai ở địa phương nào sẽ ngay lập tức được lan tỏa. 

Mô hình trồng su su hữu cơ tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Anh.

Đến nay, tỷ trọng về phân bón hữu cơ trong tổng sản lượng phân bón cả nước đã tăng đáng kể so với năm 2017 (từ 6,3% tăng lên 23%); đã có hơn 4.000 sản phẩm phân bón hữu cơ (tăng hơn 8 lần); số nhà máy và công suất đều tăng (tương ứng 1,7 lần và 1,4 lần), sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp tăng gấp 2,5 lần.

Bên cạnh đó, lượng phân bón hữu cơ được đưa vào sử dụng cũng không ngừng tăng lên (từ 14 triệu tấn năm 2020, tăng lên 20 triệu tấn năm 2021). Đây là thành quả, tín hiệu đáng mừng cho sản xuất nông nghiệp vì đã giúp giảm áp lực cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong bối cảnh giá các loại phân bón vô cơ đang ở mức cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn từ trung ương tới địa phương, xây dựng nhiều mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả. Đã có rất nhiều mô hình được đánh giá hiệu quả và được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Bên cạnh phân hữu cơ sản xuất công nghiệp, nông dân đã ngày càng chú trọng tự ủ phân hữu cơ tại chỗ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Điển hình như chương trình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL) gắn với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”; canh tác lúa ở ĐBSCL theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn SRP; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị; sản xuất rau su su theo tiêu chuẩn 5 không (không thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất kích thích, tăng trưởng, dư lượng hóa chất độc hại) tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc…

Từ đó, đã giúp cho nhận thức của các cơ quan quản lý, người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương đang đồng loạt áp dụng các biện pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí vật tư đầu vào. Hiện nay, bên cạnh sự tăng rất nhanh của phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp, ý thức, phong trào nông dân tự ủ, tự chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trong nông nghiệp cũng đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, với tổng lượng khoảng gần 20 triệu tấn, gấp. 7 - 8 lần lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp. Đây thực sự là một tín hiệu rất đáng mừng.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác thăm cánh đồng sinh học tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Ảnh: Minh Đãm.

Trong bối cảnh giá phân bón vô cơ tăng cao, khó dự đoán trong thời gian tới, việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp ngành nông nghiệp, bà con nông dân có điểm tựa vững chắc để vượt qua khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp, cũng có sự chuyển biến trong hoạt động khi không ngừng cải tiến quy trình kỹ thuật, áp dụng những công nghệ hiện đại, nghiên cứu, sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng ngày càng cao.

Thời gian tới, nhằm lan tỏa rộng rãi việc sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, Cục BVTV đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành BVTV. Theo đó, với mục tiêu chung là công tác BVTV được tổ chức thực hiện theo hướng hiện đại, nhanh chóng, chủ động, an toàn và hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Mở rộng diện tích ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM, IPHM), sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học.

Giảm dần sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, mặc dù có những bước tiến mạnh mẽ, tuy nhiên, tỷ trọng của phân bón hữu cơ trong tổng sản lượng phân bón nước ta vẫn còn thấp, giá phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn còn cao. 

Nhiều mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phân bón hữu cơ đã và đang lan tỏa rộng khắp cả nước. Ảnh: Lưu Hòa.

Do đó, để giảm giá thành phân bón hữu cơ, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, trong đó ưu tiên các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu để khuyến khích nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ có chất lượng, có giá bán thấp.

Với ngành BVTV, sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp canh tác giúp nông dân sử dụng phân bón khoa học, tiết kiệm hơn nữa để giảm chi phí sản xuất như chương trình IPM trên phạm vi toàn quốc theo hướng cải tiến mới của FAO cho phù hợp với tình hình thực tế; mở rộng đối tượng áp dụng chương trình IPM trên các loại cây trồng khác ngoài cây lúa; áp dụng công nghệ số như trạm khí tượng, bẫy đèn thông minh… để theo dõi, giám sát, dự tính, dự báo chính xác, kịp thời sự phát sinh, gây hại của sinh vật trên đồng ruộng, từ đó chủ động phòng trừ hiệu quả, an toàn; giảm thiểu tối đa lượng thuốc BVTV hóa học, sử dụng phân bón vô cơ hợp lý...

Tại Nam Định, đa số nông dân đều có thùng thu gom, xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Về phía nông dân, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...) để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm dần sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ.

Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI); gieo sạ né rầy; ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; liên kết sản xuất...

Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp tuần hoàn

Hiện nay, theo thống kê, hàng năm ở nước ta có khoảng 200 triệu tấn phế phụ phẩm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến..., đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ.

Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm này còn hạn chế, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển, quản lý hoạt động sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, dẫn tới không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, người dân không mặn mà sử dụng.

Các địa phương cần có chính sách khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: TL.

Bên cạnh các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ hiện đại thì vẫn còn nhiều cơ sở sử dụng dây chuyền thô sơ, tính tự động hóa chưa cao, chỉ sử dụng một vài chủng vi sinh vật phổ biến để ủ nguyên liệu hữu cơ hoặc bổ sung một số chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng cơ bản..., dẫn đến công suất sản xuất, hàm lượng chất hữu cơ, chất lượng phân bón còn thấp.

Vì vậy, để áp dụng rộng rãi việc sử dụng phân bón hữu cơ, không thể vội vàng mà phải đi từng bước chắc chắn. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả trong việc xử lý các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ sinh hoạt làm phân bón hữu cơ.

Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ủ phân bón hữu cơ, trong đó ưu tiên những phụ phẩm có sẵn tại địa phương. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả để người dân học tập và nhân rộng... 

Nguồn: nongnghiep.vn/

Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi