Tin hot

Rộn rã không khí về đích NTM nâng cao ở Võng Xuyên


Đến xã Võng Xuyên (Phúc Thọ - Hà Nội) giữa những ngày nắng hè rộn tiếng ve ngân, khách xa cảm nhận được không khí sản xuất và cán đích xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao khẩn trương, tích cực của người dân nơi đây.

Vì vậy, cả ban lãnh đạo xã và bà con đều rất bận rộn.

Đông trùng hạ thảo OCOP 4 sao

Ông Ngô Văn Lý (thôn Nghĩa Lộ) cho biết, ông xây dựng mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo trên 4 năm nay. Hiện, cơ sở có 100m2 mới cấy, 200m2 đã sơ chế. Nguồn giống lấy ở Viện Di truyền và Đại học Lâm nghiệp, sau đó nhân bản để duy trì nguồn giống.

Khó khăn nhất của việc nuôi cấy sản phẩm là cần môi trường sạch sẽ, nhiệt độ đủ lạnh, 16 - 20 độ C mới đảm bảo. Sau 55 - 60 ngày thu hoạch 1 lứa; nếu nuôi tốt sẽ đạt 10 ngày/lứa, mỗi lứa ít nhất thu được 50kg, nhiều nhất 200kg. Lúc đầu mới sản xuất, do chưa nắm vững kỹ thuật nên sản phẩm hay bị hỏng, mốc, thối rữa, thất thu hàng trăm triệu đồng. Phải làm đi, làm lại và đổ bỏ rất nhiều lần mới đi đến thành công như hôm nay.

 

1.JPG
Sản phẩm Đông trùng hạ thảo Võng Xuyên đạt OCOP 4 sao.

 

“Hiện, giá đông trùng hạ thảo bình quân tại xưởng là 4 triệu đồng/kg (do đang trong thời kỳ khuyến mại). Công nhân chính thức có 2 người, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có đội ngũ marketing 6-7 người, chủ yếu đi bán hàng ở các tỉnh, thành như Lào Cai, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Nha Trang. Sắp tới sẽ mở rộng thị trường ở TP. Hồ Chí Minh. Những năm trước vừa thất bại, vừa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên chưa có nguồn thu. Hy vọng, năm 2022 sẽ lấy lại vốn và từng bước phát triển bền vững”, ông Lý cho biết thêm.

Hiện sản phẩm đông trùng hạ thảo của ông Lý đạt OCOP 4 sao.

Thu nhập khá từ kinh tế vườn

Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Nam Võng Ngoại) cho biết: “Kinh tế vườn của gia đình khá ổn định, trồng những loại rau, màu và cây ăn trái như: hành lá (hành thương phẩm và hành giống), cà pháo, cà bát, ổi lê; mỗi loại 2- 2,5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). 

Các sản phẩm trên được gieo cấy quanh năm (khoảng 6 vụ/năm), ví như, hành lá tháng 10 ÂL gieo, tháng 11 ÂL đã có cây con để trồng. Gia đình ông Dũng chủ yếu trồng hành thương phẩm, đặc biệt, có thời điểm, giá hành lá khá cao, thậm chí rất cao, 25.000 đồng/kg (do mưa nhiều); với mức giá này, người dân thu lãi 5 - 6 triệu đồng/sào. Giá hành cao thường là sau khi ngập lụt, nắng to, hành bị hỏng nhiều, có khi lên tới 40.000 đồng/kg. Bình thường chỉ 13.000 đồng/kg, bán buôn tại nhà; thấp nhất 3.500 đồng/kg (hoà vốn)”.

 

3.JPG
Ông Dũng chăm sóc vườn cây ăn trái.

 

Hành trồng quanh năm, nhưng đến tháng 9 ÂL hằng năm, ông Dũng bớt 1 sào để trồng hoa cúc. Năm 2021, bình quân 1 sào hoa cúc cho thu 2 vạn cây, bán được khoảng 40 triệu đồng. Ổi lê Đài Loan 2 sào/100 cây, đang ra quả, đã thu được 1 vụ (gần 6 triệu đồng).

“Trừ chi phí, năm 2021, tôi thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, thời tiết khá ổn định, chỉ trừ tháng 5 vừa qua bị ngập úng, cà, hành, dưa chuột, đậu leo bị thiệt hại khá nhiều. Vì vậy, chúng tôi rất cần được nạo vét kênh mương để tiêu úng kịp thời, có như vậy, mới tránh được thiệt hại cho hoa màu.

Quản lý khu vườn trên, do 2 vợ chồng tôi đảm nhận, khi cần mới thuê thêm 3 - 5 nhân công. Trả thù lao 220.000 đồng/người/ngày, thuê 5 - 7 ngày/đợt”, ông Dũng cho biết thêm.  

Bận rộn về đích NTM nâng cao

Đến Võng Xuyên giữa những ngày nắng hè, chúng tôi thấy địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, cứng hóa giao thông nội đồng. Mở rộng khuôn viên Trường Tiểu học Võng Xuyên B; xây mới Phòng lý thuyết Trường THCS Võng Xuyên; đẩy nhanh tiến độ tu sửa Trường Mầm non B; lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, tại các nhà văn hóa thôn, tu bổ, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Võng Xuyên, cho biết: “Võng Xuyên đang tiếp tục làm đẹp cảnh quan nông thôn, chỉnh trang các tuyến đường hoa. Tích cực trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông để tạo cảnh quan đáp ứng yêu cầu xanh - sạch - đẹp. Vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh tại các thôn, xóm, di tích. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm đặc trưng của xã”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Địa phương cần vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung trong xây dựng nông thôn văn hóa, nhất là tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự; tiêu chí về môi trường; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đạt chuẩn tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Về cơ sở hạ tầng nông thôn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông ngõ xóm, nhà văn hóa thôn; cứng hóa giao thông nội đồng.

Tiếp tục xây dựng cảnh quan nông thôn, chỉnh trang các tuyến đường hoa, tăng cường hơn nữa việc trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông, để tạo cảnh quan môi trường; đáp ứng yêu cầu xanh - sạch - đẹp. Vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh tại các thôn, xóm, di tích lịch sử - văn hoá”.

Ngoài ra, theo ông Mỹ, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ nghèo, cận nghèo, Võng Xuyên cần nỗ lực hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương tại các hội chợ, trên các trang thương mại điện tử. Chú trọng hơn nữa việc bố trí các lớp đào tạo nghề và nâng cao chất lượng lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo... để phát triển ổn định và bền vững.

Tác giả: Hoài Dương
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi