Tin hot

Xây dựng thương hiệu nông sản VN: Giảm thô, bỏ trung gian, tăng thu nhập cho nông dân


Ngày 30/7, gần 30 doanh nghiệp đã tập hợp lại để ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Xây dựng thương hiệu Nông sản Việt Nam.

 

Ngày 30/7, gần 30 doanh nghiệp đã tập hợp lại để ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Xây dựng thương hiệu Nông sản Việt Nam.

Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, thành viên sáng lập CLB, giải thích lý do chọn lĩnh vực nông sản để "đột phá" vào việc xây dựng thương hiệu là vì 80% dân số Việt Nam đang sống bằng nghề nông. "Hầu hết nông sản xuất khẩu đều dưới dạng hàng hóa thô hoặc sơ chế nên chưa tạo được giá trị cao để có thể tăng lợi nhuận cho người nông dân. Người nông dân còn thiệt thòi lắm" - ông Vũ nói.

Tháng 11/2003, Trung Nguyên đã khởi xướng một chương trình "Cùng nhau xây dựng thương hiệu nông sản Việt" và sau đó là cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng sáng lập ra CLB Xây dựng thương hiệu Nông sản Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của chương trình này là xây dựng khoảng 30 thương hiệu nông sản tiêu biểu ở khắp mọi miền đất nước, lấy đó làm những "điểm sáng". Về lâu dài, sẽ khởi tạo phong trào toàn diện xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm Việt Nam, tổ chức liên kết 6 "nhà": Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà bank (ngân hàng), nhà nông và nhà truyền thông nhằm nâng cao uy tín và giá trị nông sản Việt Nam.

"90% số nông sản của ta xuất khẩu phải thông qua trung gian với giá rẻ để rồi họ gắn những thương hiệu nước ngoài vào bán với giá cao, còn người nông dân của ta vẫn nghèo. Phải tạo cho nông sản Việt Nam những thương hiệu nổi tiếng, chỉ cần nhìn vào là người ta biết ngay đến uy tín, chất lượng... nông sản Việt Nam, không thể lẫn vào đâu được. Giống như thấy Toyota là người ta biết đến Nhật Bản, thấy Mercedes là người ta biết đến nước Đức... thì mới mong nâng cao giá trị nông sản, từ đó nâng đời sống của người nông dân" - ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về vai trò thương hiệu nông sản.

Hơn nửa năm kể từ khi khởi xướng, 5 trong số 30 thương hiệu của chương trình đã được thiết kế hoàn thiện ứng dụng vào thực tế. Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) và bưởi Năm Roi Hoàng Gia (Vĩnh Long) là 2 trong số 5 thương hiệu đó. Bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc doanh nghiệp Chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia, khẳng định: "Bằng việc xây dựng thương hiệu hoàn chỉnh, hiệu quả kinh doanh của Hoàng Gia đã tăng cao, năm 2003 lượng hàng chúng tôi bán ra đạt 2.000 tấn, cao gấp 4 lần năm 2002 và dự kiến năm 2004 sẽ bán ra 2.500 tấn bưởi". Hiện nay, Hoàng Gia đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hằng năm cho khoảng 60% diện tích trong tổng số trên 2.400 ha bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh, với giá mua luôn cao hơn giá thương lái 30%.

Những thành công bước đầu quả là đáng khích lệ, nhưng cũng còn quá sớm để khẳng định sự thành công của cả chương trình. Đây là một chương trình đòi hỏi phải có thời gian dài, xây dựng xong những thương hiệu đưa vào ứng dụng còn cần thời gian nuôi dưỡng và vun đắp. Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ thừa nhận: "Chúng tôi chỉ là chất xúc tác ban đầu. Còn triển khai thực hiện cần phải có sự đồng thuận của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các nhà truyền thông... và đặc biệt là sự thấu hiểu, ủng hộ của chính quyền các cấp"

Theo ThanhNien

 

Tìm kiếm chúng tôi