Tin hot

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho doanh nghiệp


Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, gây ra các hệ lụy không nhỏ. Do đó, cần chế tài mạnh mẽ hơn, đảm bảo tính răn đe để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là một trong những hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ Công Thương triển khai, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ những năm qua. Xin bà cho biết, lý do Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay?

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)

Thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương ban hành kế hoạch và lựa chọn, công bố một chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng DN chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, chính phủ kiến tạo, môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang đứng trước thách thức mới, minh chứng là tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng năm qua tăng đột biến ở nhiều lĩnh vực. Xin bà chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020. Trong đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng với gần 1.300 vụ việc. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, có sự gia tăng đột biến các khiếu nại của người tiêu dùng đối với những lĩnh vực như thương mại điện tử; hàng không và dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển, bởi đây là những nhóm mặt hàng chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho doanh nghiệp

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Theo thống kê, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, chiếm tổng cộng trên 50% toàn quốc. Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng hỗ trợ, giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp… Điều này phần nào cũng cho thấy, người tiêu dùng trên cả nước đã bước đầu biết đến và sử dụng hiệu quả các kênh giải quyết yêu cầu, khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể toàn diện được nếu thiếu sự tuân thủ và đồng hành của DN. Trong thời kỳ bình thường mới, nhiều DN cũng triển khai các chương trình hướng đến người tiêu dùng. Bà đánh giá như thế nào về những chương trình này của DN?

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của tất cả cơ quan, đoàn thể, DN và người tiêu dùng, trong đó, DN giữ một vai trò quan trọng.

Trong thời kỳ bình thường mới, nhiều DN cũng triển khai các chương trình hướng đến người tiêu dùng như: Chủ động trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong công ty, đơn vị, trước hết là bộ phận chăm sóc khách hàng; tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng thông qua việc xây dựng các chính sách, quy trình hiệu quả về bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại; tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về bảo vệ người tiêu dùng; thực hiện các chương trình hướng tới người tiêu dùng...

Tuy nhiên, để thu hút và bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người tiêu dùng, DN cần hoàn thiện hơn nữa về sản phẩm và các chính sách kinh doanh. Ngoài cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, chất lượng tốt, trong bối cảnh dịch Covid-19, DN cần có trách nhiệm trong ổn định giá cho người tiêu dùng. Đặc biệt, hướng DN tới sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Không chỉ với người tiêu dùng, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp phát triển bền vững cho chính DN...

Xin bà cho biết, những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho cả người tiêu dùng và cộng đồng DN trong năm 2022?

Trong 2 năm trở lại đây, toàn bộ người tiêu dùng bị ảnh hưởng với tác động trên diện rộng của đại dịch về sức khỏe, việc làm và thu nhập. Điều đó dẫn đến những thay đổi trong cuộc sống, công việc, mua sắm và tiêu dùng. Do các chính sách giãn cách xã hội vì dịch bệnh và giới hạn tiếp xúc trực tiếp, người tiêu dùng đã chuyển hướng hành vi mua sắm truyền thống sang các kênh kỹ thuật số, dẫn đến sự bùng nổ của các ứng dụng bán hàng trực tuyến.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra lợi thế cạnh tranh, mỗi DN cần chủ động tìm hiểu các nhu cầu của người tiêu dùng, tận dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ và thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường, cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa có thương hiệu, chất lượng tốt, giá phù hợp… Mỗi người tiêu dùng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức để có thể thực hiện các hành vi tiêu dùng thông thái, bảo vệ mình trước nguy cơ của hành vi vi phạm.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Lan

 
Tác giả: Le Viet Anh
Tìm kiếm chúng tôi