Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn… Phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm.
Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO (hoặc tương đương) tăng 10%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm. Hằng năm, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm duy trì ở mức từ 5% trở xuống. Tỷ lệ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương tiêu chuẩn quốc tế đạt 5%. 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp…
Sản xuất quả mơ ở huyện Chợ Mới đang hướng tới tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ
Triển khai thực hiện, các cấp, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cụ thể, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng nông sản đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng ban hành hướng dẫn tổ chức, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và quy định khác về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tự công bố sản phẩm và đủ điều kiện tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 155 sản phẩm OCOP, chủ yếu là nông, lâm sản. Nhờ Chương trình OCOP mà mỗi loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, đơn giản được chế biến thành sản phẩm thực phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường. Các sản phẩm nông sản của tỉnh tuy chưa có nhiều nhãn hàng sản xuất hữu cơ nhưng hầu hết được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận ATTP… Người dân nâng cao ý thức trong sản xuất nông sản, sản phẩm làm ra phải an toàn; sản phẩm có thương hiệu thì bán hàng thuận lợi và ngược lại, làm ẩu, chất lượng kém sẽ bị tẩy chay…Hiện nay, hầu hết các sản phẩm hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP đều trải qua quy trình thẩm định, kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh cho biết: Hằng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo ATTP; khảo sát, lựa chọn để xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cấp giấy xác nhận chuỗi ATTP cho các sản phẩm nông sản. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất an toàn. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, phân bón; kiểm tra quy trình sản xuất sản phẩm thực phẩm nông sản... Do vậy, hầu hết các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP đều đã được cấp giấy chứng nhận ATTP.
Tuy nhiên, chi phí phân tích mẫu cao nên giá thành sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm cao, gây khó khăn cho đầu ra; nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản của một số tổ chức, cá nhân chưa đúng mức, quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, với mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa, có nghĩa là sản phẩm làm ra chủ yếu là để bán ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Cùng với đó, xu thế hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi hàng thực phẩm phải an toàn. Do vậy, sản xuất nông sản ATTP là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay./.
Theo Báo Bắc Kạn