Tin hot

Các tỉnh phía Bắc triển khai kế hoạch vụ đông 2022


Dự báo sản xuất vụ đông 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, do đó cần có kế hoạch sản xuất chủ động và cực kỳ linh hoạt là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị sáng 26/8.

Sáng 26/8, tại thành phố Vinh, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2022 các tỉnh phía Bắc. Đại diện lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự hội nghị.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Các tỉnh phía Bắc triển khai kế hoạch vụ đông 2022 ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Theo đánh giá chung, vụ đông 2021, các tỉnh phía Bắc đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, tạo nhiều sản phẩm giá trị cao; đặc biệt chú trọng sản xuất gắn với chế biến, tạo thị trường đầu ra ổn định và nâng cao giá trị. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất đạt trên 34.000 tỷ đồng, tăng trên 2.000 tỷ đồng so với vụ đông năm 2020.

Với diện tích dự kiến đạt khoảng 400.000 ha, vụ đông năm 2022 các tỉnh phía Bắc sẽ tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Các tỉnh phía Bắc triển khai kế hoạch vụ đông 2022 ảnh 2

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Tại Nghệ An, vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính trong năm, góp phần quyết định mục tiêu sản xuất nông nghiệp cả năm và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cho người nông dân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động thời tiết, chịu ảnh hưởng nhiều đợt mưa lụt, trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng sản lượng các loại cây trồng vụ đông 2021 của tỉnh vẫn vượt kế hoạch. Toàn tỉnh gieo trồng 33.700 ha, giá trị kinh tế đạt trên 1.800 tỷ đồng, tăng 218 tỷ đồng so với vụ đông 2020.

Vụ đông 2022, Nghệ An đề ra mục tiêu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích (35.430 ha); là vụ sản xuất năng suất, sản lượng, giá trị, theo phương châm sản xuất an toàn, hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án sản xuất sớm, xác định các thuận lợi và khó khăn chính, cũng như đưa ra các giải pháp về chỉ đạo điều hành, mùa vụ và quy trình kỹ thuật; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất vụ đông...

Các tỉnh phía Bắc triển khai kế hoạch vụ đông 2022 ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông chủ động và linh hoạt. Ảnh: Phú Hương

Tại hội nghị, các đại biểu nêu những khó khăn, thách thức trong sản xuất vụ đông năm nay; đó là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm vụ đông còn quá nhiều bất cập, thị trường đầu ra còn khó khăn, phổ biến tình trạng được mùa, mất giá. Thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao cũng là thách thức chung trong sản xuất nông nghiệp hiện nay...

“Sản phẩm của chúng ta chủ yếu tiêu thụ trong nước, một số ít xuất khẩu được thì cũng chỉ đang giới hạn ở những thị trường “gần” như Hàn Quốc, Trung Quốc… chứ hầu như chưa vào được những thị trường nhu cầu lớn, giá trị cao như các nước châu Âu”, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói.

Các tỉnh phía Bắc triển khai kế hoạch vụ đông 2022 ảnh 4

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Dự báo sản xuất sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, chịu ảnh hưởng nhiều đợt mưa lớn, trong khi đó giá vật tư, phân bón chưa “hạ nhiệt”. Do đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt và sáng tạo; sản xuất phải gắn với thị trường. Các địa phương cần chủ động tìm hiểu, tìm kiếm đầu ra, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường. Năm nay, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, chúng ta cần coi đó là một cơ hội trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

“Thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống phải phù hợp theo từng vùng, từng khu vực. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi đầu tư liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm”, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu.

Tác giả: Phú Hương
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi