Khảo sát thực địa dự án KCN Nam Thăng Bình, được định hướng phát triển theo mô hình KCN sinh thái, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, ưu tiên cây xanh và hạ tầng xanh (Ảnh: Phan Vinh) |
Công nghiệp - Động lực của Nam Đà Nẵng
Tại Đại hội Đảng bộ phường Tam Kỳ lần 1 nhiệm kỳ 2025 – 2030 mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy phường Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan khẳng định, giai đoạn 2025 - 2030, Đảng ủy phường xác định rõ định hướng phát triển phải bảo đảm tính kế thừa, ổn định nhưng đồng thời đổi mới mạnh mẽ, thực chất và đồng bộ.
“Với tính chất vùng lõi của đô thị TP Tam Kỳ trước đây, dựa trên các thế mạnh, phường phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại là trọng tâm, đô thị là trung tâm, công nghiệp và nông nghiệp đô thị là nền tảng”, bà Nguyễn Thị Thu Lan nói.
Khu vực đầu tư KCN Nam Thăng Bình (Ảnh: Phan Vinh) |
Từng là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam, TP Tam Kỳ (nay là 4 phường Tam Kỳ, Quảng Phú, Bàn Thạch và Hương Trà) đã phát triển mạnh mẽ hạ tầng đô thị. Trong vai trò mới, là đầu mối hành chính phía Nam Đà Nẵng, Tam Kỳ và khu vực lân cận như H.Thăng Bình (cũ, nay là xã Thăng Điền, Thăng Trường…) đang đứng trước cơ hội trở thành thủ phủ công nghiệp, vị trí động lực cho các vùng công nghiệp rộng lớn như khu vực Chu Lai, Thăng Bình.
Trục phát triển đô thị Nam Đà Nẵng bám sát QL1A, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc Nam |
Từ định hướng chung của TP.Đà Nẵng mới, trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ xã Thăng Điền (nhập 3 xã Bình An, Bình Trung, Bình Tú, huyện Thăng Bình cũ) vừa qua, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thị Tuyết Thanh nhấn mạnh, bước vào nhiệm kỳ 2025 - 2030, xã có nhiều cơ hội phát triển khi nằm trên tuyến QL1A, thuộc vùng quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, với tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế đến năm 20230 với 42% - 43%; Thương mại-dịch vụ chiếm 40% - 40,5%, Nông nghiệp chiếm 18% - 16,5%.
Tiềm năng công nghiệp Thăng Bình
Trước khi sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng, khu vực huyện Thăng Bình quy hoạch 9 cụm công nghiệp (CCN) với hơn 156,8 ha, trong đó 4 CCN hoạt động ổn định: Hà Lam - Chợ Được, Bình An, Kế Xuyên - Quán Gò và Quý Xuân với sản phẩm công nghiệp chủ đạo gồm may mặc, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, giải quyết hàng nghìn lao động.
Các KCN Tam Thăng, Đông Quế Sơn cũng được mở rộng, nâng cấp CCN Hà Lam - Chợ Được thành KCN.
Đặc biệt, chỉ sau 2 năm nghiên cứu dự án, tháng 5 vừa qua, đại dự án Phân khu B KCN Nam Thăng Bình của Tập đoàn BIN Corporation đã được chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 với mức đầu tư gần 3.400 tỷ đồng.
Các khu đô thị mới, dân cư mới phát triển theo cực tăng trưởng mới phía Nam Đà Nẵng |
KCN Nam Thăng Bình giai đoạn 1 có quy mô 346ha, tọa lạc tại xã Thăng Điền và Thăng Trường. Theo quy hoạch, đây là khu vực đất vàng trong chiến lược phát triển công nghiệp Nam Đà Nẵng (trước đây là vùng Đông Quảng Nam), tập trung thu hút các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, phục vụ nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước. Đồng thời cung cấp các dịch vụ bất động sản công nghiệp, kho bãi và hỗ trợ sản xuất.
Nếu khu vực Chu Lai đã phát triển công nghiệp rực rỡ nhiều năm qua, thì khu vực lân cận Tam Kỳ như Thăng Bình đang đứng trước vận hội lớn với công nghiệp hiện đại.
Vị trí 23 ga hành khách tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (Ảnh Quyhoachquocgia) |
Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation, cho biết sẽ tập trung kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không phát thải carbon, sử dụng công nghệ sạch và có nền tảng tài chính vững mạnh. Với mạng lưới quan hệ quốc tế sâu rộng, BIN Corporation đặt mục tiêu đưa các nhà đầu tư từ Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến KCN Nam Thăng Bình, đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong mục tiêu công nghiệp hóa bền vững.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Quảng Nam (nay là Nam Đà Nẵng) tiếp tục là vùng động lực với các ngành kinh tế chủ đạo như kinh tế biển, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, thương mại và du lịch. Việc chấp thuận đầu tư KCN Nam Thăng Bình được kỳ vọng tạo cú hích mới trong thu hút FDI, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ven biển, giải quyết việc làm và gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh trong dài hạn.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua TP.Đà Nẵng có 2 nhà ga, trục phía Bắc vào địa phận Đà Nẵng có ga Hòa Sơn (nay là phường Hòa Khánh), gắn với các KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh và một số vị trí Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Sau đó tuyến đường sắt tiếp tục song song phía Đông đường bộ cao tốc, Ga Tam Kỳ nằm ở phía Tây, gần tuyến tránh, khu vực P.Trường Xuân cũ (nay là P.Tam Kỳ). Nhà ga này nhằm kết nối các KCN khu vực Thăng Bình. Ngoài ra, ga hàng hóa Chu Lai tại khu vực giáp ranh xã Tam Mỹ và xã Núi Thành gần đường ĐT617 kết nối Cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất.
|