Tin hot

Giữ lá phổi xanh của Thủ đô


UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp. Với việc công bố danh sách ao, hồ trên toàn TP không được phép san lấp cho thấy sự quyết tâm của chính quyền TP giữ lá phổi xanh cho Thủ đô.

 

Tại Quyết định số 1614/QĐ-UBND  ký ngày 20/3/2023 phê duyệt Danh mục ao, hồ, đầm không dược phép san lấp, TP Hà Nội đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ, ao, đầm. Sông, hồ trong TP vẫn được ví như những chiếc máy điều hòa tự nhiên, giúp giảm ô nhiễm không khí, cân bằng hệ sinh thái.

Thế nhưng thời gian qua, tình trạng san lấp ao, hồ trái phép vẫn không ngừng diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, đe dọa môi trường sống của người dân. Trong đó tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển đô thị, đất đai được giá nên một số đối tượng dùng mọi chiêu trò như đổ phế thải, xây dựng lán trại trái phép rồi hợp thức hóa giấy tờ sử dụng đất để xây dựng nhà ở kiên cố.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn mà ngay tại khu vực nội thành, mặc dù nhiều hồ ao được cải tạo đã trở thành lá phổi xanh của TP nhưng nhiều địa điểm đã biến thành "hồ chết", "ao chết" và có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, không ít ao, hồ của TP cũng được đưa quy hoạch cho công trình hạ tầng, dự án thương mại, khiến cho những lá phổi xanh của Thủ đô luôn trong tình trạng bị đe dọa.

Ví như hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936m2. Hồ nước gần khu vực bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (cũ) sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng Khu đô thị Tân Hoàng Mai tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210m2. Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697m2.

Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277m2. Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và Trường THCS Thanh Trì...
Theo TS Hoàng Dương Tùng – nguyên Tổng cục Phó Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), ao, hồ không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước.

“Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao, hồ của Thủ đô không bị sụt giảm là rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính những cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao, hồ. Họ cần phải thấy được rõ quyền lợi và cả lợi ích của mình từ việc bảo vệ những lá phổi xanh này.

Vì vậy, với việc công bố danh sách những ao, hồ, đầm trên địa bàn TP không được san lấp cho thấy sự quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc quyết giữ lá phổi xanh, nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò giám sát của cộng đồng đối với việc giữ gìn ao, hồ; ngăn chặn hành vi vi phạm ” – TS Hoàng Dương Tùng nói.
Cần kiểm soát chặt chẽ

Hồ công viên Cầu Giấy, Phố Thánh Thái, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Hồ công viên Cầu Giấy, Phố Thánh Thái, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Ảnh: Phạm Hùng

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho thấy, chỉ từ năm 2010 - 2015, đã có 17 ao, hồ ở Hà Nội bị san lấp hoàn toàn.

Tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2. Diện tích này cũng tương đương với việc một hồ rộng gấp 1,5 hồ Thành Công hiện nay đã biến mất chỉ sau vài năm. Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận lõi nội thành của Hà Nội.

Còn số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội lại chỉ ra, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị ở Hà Nội giảm 203,63ha, nhiều ao, hồ đã bị san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác.

 

Ao, hồ là một phần không thể thiếu trong phát triển hạ tầng đô thị. Về chức năng, nhiệm vụ, ao, hồ đóng vai trò rất quan trọng trong điều hòa môi trường sống, góp phần tạo dựng nét đẹp cảnh quan, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, nhiều hồ nước còn có tác dụng giảm ngập úng cục bộ.

 Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam, PGS.TS Trương Mạnh Tiến

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, tình trạng san, lấp hồ, ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

“Việc bảo vệ ao, hồ, không san lấp ao hồ đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Việc lập danh mục hồ, ao không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Vậy nên, Hà Nội công bố Danh mục ao, hồ, đầm không được san lấp là quyết định đúng với tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và đúng với mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô. Việc công bố danh sách cho thấy, lãnh đạo TP đang đặt sức khỏe của Nhân dân Thủ đô lên hàng đầu” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) nhìn nhận, nếu Hà Nội chỉ công bố danh mục ao, hồ, đầm không được san lấp mà lại không kiểm tra, giám sát, báo cáo thường xuyên thì rất dễ “đầu voi đuôi chuột”.

“Làm gì cũng cần có chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm. Ví dụ, một ao, hồ cụ thể nào đó trong danh mục không được san lấp nhưng chính quyền địa phương vì nể nang hoặc vì mối quan hệ đặt bút ký cho san lấp để làm dự án chẳng hạn thì phải chịu trách nhiệm thế nào? Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Để việc gìn giữ ao, hồ hiệu quả thì cần phải giao và quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương. Đồng thời phải có chế tài phạt nặng hành vi xâm lấn, xâm chiếm vi phạm.

PGS.TS Bùi Thị An

Nguồn:kinhtedothi.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi