Không thỏa hiệp với 5 nguyên tắc an toàn
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Cruises Group, người có hơn 20 năm kinh nghiệm vận hành du thuyền cao cấp tại các vùng biển Việt Nam cho rằng, vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long là mất mát lớn, không chỉ với những người trong cuộc mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho toàn ngành du lịch, nhất là du lịch đường thủy.
"Đây không phải lần đầu, nếu không có hành động kịp thời, sẽ không phải là lần cuối. Với những thay đổi khôn lường của thời tiết như giông cục bộ, gió giật mạnh, bão không tên…, nếu công tác dự báo không theo kịp, quy trình vận hành bị buông lỏng, hay chỉ làm đối phó, tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi"- ông Phạm Hà lo ngại.
Du thuyền trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: LuxGroup
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khiến thời tiết cực đoan ngày càng bất thường, du lịch đường thuỷ đang đứng trước thách thức rất lớn, đó là làm thế nào để vừa phát triển, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Phạm Hà nhấn mạnh 5 nguyên tắc cốt lõi không thể thỏa hiệp trong hoạt động du lịch đường thuỷ. Cụ thể:
Không khởi hành khi có cảnh báo thời tiết xấu, đặc biệt là giông và gió mạnh gần bờ.
Phải nghiêm túc chấp hành chỉ đạo từ cơ quan cảng vụ và khí tượng, trang bị hệ thống cảnh báo thời gian thực, phủ sóng wifi toàn vịnh, hiển thị vùng nguy hiểm.
Không vượt quá số khách được cấp phép, đây là giới hạn kỹ thuật không được linh động hay thoả hiệp.
Dừng ngay toàn bộ hoạt động ngoài trời khi thời tiết có dấu hiệu xấu, nhất là các tour kayak, tắm biển, lên đảo. Huấn luyện an toàn bắt buộc trước tour cho cả khách và nhân viên.
Trang bị đầy đủ, kiểm định định kỳ thiết bị cứu sinh, liên lạc, định vị; tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp cho từng loại tàu.
Xây dựng văn hóa an toàn từ bên trong doanh nghiệp
Để phòng ngừa rủi ro, việc minh bạch thông tin hành trình, kiểm soát khách và dự báo thời tiết, ông Phạm Hà nhấn mạnh thêm là những yếu tố "sống còn". Du khách được thông báo rõ về lịch trình, thời tiết, quy trình an toàn sẽ chủ động và an tâm hơn. Ngược lại, doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm xã hội và tạo dựng uy tín thương hiệu lâu dài.
Tại Lux Cruises Group, theo ông Phạm Hà, các tiêu chuẩn an toàn còn được nâng lên tầm hệ thống quản trị ISO 9001 và ISO 14001. Đơn vị này áp dụng quản lý an toàn nội bộ (Safety Management System – SMS), tự động cập nhật và cảnh báo thời tiết từ ba nguồn (trung ương, địa phương, quốc tế).
Đồng thời, huấn luyện định kỳ cho toàn bộ đội ngũ và cả du khách; diễn tập khẩn cấp mỗi quý, giới hạn hoạt động về đêm, trang bị GPS kép, radio hàng hải, phao cứu sinh đạt chuẩn quốc tế. “An toàn không chỉ là quy trình hành chính mà là trách nhiệm đạo đức” - ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động quản lý du lịch đường thuỷ, ông Phạm Hà cho rằng, các cảng vụ cần bỏ quản lý giấy tờ thủ công, thay bằng hệ thống quản trị 4.0 như ngành hàng không đã làm; cùng với đó là cấp phép điện tử, giám sát hành trình thời gian thực, tích hợp dữ liệu và tự động ngừng cấp phép nếu thời tiết xấu.
Tuy nhiên, công nghệ thôi là chưa đủ, quan trọng hơn là xây dựng văn hóa an toàn từ bên trong doanh nghiệp. Không thể để an toàn du lịch chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành thói quen, tiêu chuẩn hàng ngày, từ người điều hành cao nhất tới từng nhân viên vận hành.
Huấn luyện các kỹ năng về an toàn du lịch tại doanh nghiệp cần phải tăng cường triển khai. Ảnh: LuxGroup
Một khía cạnh quan trọng khác là chuẩn hóa thiết kế tàu. Nhiều tàu cũ kỹ, thiết kế lạc hậu, chỉ chạy theo số lượng thay vì chất lượng, tiềm ẩn rủi ro lớn. Tàu du lịch không chỉ là phương tiện mà còn là sản phẩm văn hóa, cần đảm bảo cả thẩm mỹ lẫn an toàn.
Đề xuất với cơ quan quản lý, ông Phạm Hà nhấn mạnh, cần xây dựng bản đồ rủi ro du lịch biển, công bố công khai theo chuẩn quốc tế như Beaufort, WMO; chỉ rõ vùng nguy hiểm, thời điểm xung yếu theo mùa. Cần phân loại và cấp phép riêng đối với các loại tàu SB, S1…, không sử dụng tàu nhỏ trong điều kiện gió cấp 6 - 7. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện từ cấp lệnh, bán vé đến giám sát thời gian thực.
Du khách cần trang bị kỹ năng phòng vệ
Khuyến nghị đối với du khách, ông Lê Công Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty WonderTour, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và điều hành tour cho rằng, người đi du lịch không thể bị động. Họ cần tự nâng cao ý thức và trang bị kỹ năng phòng vệ.
Cụ thể, du khách nên kiểm tra kỹ thời tiết trước giờ khởi hành, dự phòng các kịch bản xấu. Chọn đơn vị tổ chức uy tín, có quy trình rõ ràng, có bảo hiểm đầy đủ, tự trang bị kỹ năng sống còn như sử dụng áo phao, biết vị trí búa thoát hiểm, kỹ năng quan sát và xử lý tình huống.
“Ngay khi nhận dịch vụ, hãy xác định bản đồ thoát hiểm, lối ra vào, nơi tập trung khi có sự cố. Đặc biệt, cần biết từ chối hoặc hủy dịch vụ nếu cảm thấy bất an, dù có thể mất phí, đây là quyền của du khách và là cách để bảo vệ cho bản thân cũng như người đi cùng” - ông Lê Công Năng khuyến nghị.
Nếu chẳng may xảy ra sự cố như lật tàu, ông Lê Công Năng chia sẻ thêm, du khách không nên nhảy theo hướng tàu nghiêng hay bị gió đẩy. Nếu rơi xuống nước, hãy bơi theo hướng sóng để không kiệt sức và chờ được cứu. Học theo quy trình an toàn như khi đi máy bay. Đây là điều cần thiết và bắt buộc.
Vụ việc lật tàu tại Vịnh Hạ Long cho thấy, đảm bảo an toàn trong du lịch phải được nhìn nhận không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà là đạo đức ngành nghề. Mọi hành trình chỉ có ý nghĩa nếu du khách có thể trở về an toàn.