Trong bối cảnh kinh tế ngày càng gắn chặt với yêu cầu phát triển bền vững, ngành hóa chất không chỉ đứng trước yêu cầu tối ưu chi phí, nâng cao năng suất mà còn phải cam kết bảo vệ môi trường. Do đó, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ hóa học xanh đang trở thành “chìa khóa” giúp ngành hóa chất đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để có cái nhìn rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ hoá học xanh vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Văn Đình Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoá chất Việt Trì về vấn đề này.
Thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường
- Thưa ông, trong bối cảnh ngành công nghiệp hóa chất phải đối mặt với yêu cầu phát triển bền vững và những thách thức ngày càng lớn từ môi trường, ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ hóa học xanh đối với doanh nghiệp?
Ông Văn Đình Hoan: Trong tiến trình phát triển của ngành hóa chất, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ hóa học xanh không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Trước hết, từ góc độ kinh tế, công nghệ xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định, từ đó tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Còn ở khía cạnh môi trường, hóa học xanh là giải pháp hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm, tiết giảm phát thải, bảo đảm an toàn sản xuất, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn, cùng với sức ép từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngành hóa chất buộc phải thay đổi. Ứng dụng công nghệ không chỉ là công cụ để tồn tại, mà là đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế trong nước bằng chất lượng sản phẩm và trách nhiệm với môi trường.
Ông Văn Đình Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoá chất Việt Trì. Ảnh: Trần Bản
- Vậy ở Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, những ứng dụng công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Văn Đình Hoan: Với định hướng phát triển gắn liền với khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì đã chủ động đầu tư, cải tiến, đổi mới đồng bộ thiết bị và quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm, xanh hóa. Chúng tôi xác định đây là trụ cột để tăng hiệu quả sản xuất, tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, công ty đã triển khai hàng loạt công trình khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu là dự án đầu tư thay thế hệ thống công nghệ và thiết bị để nâng công suất đặc xút từ 32% lên 50%, công suất 20.000 tấn/năm. Đây là công trình đạt giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2021. Không dừng lại ở đó, đến năm 2023, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, cải tạo để tăng gấp đôi công suất sản xuất đặc xút 50% NaOH từ 20.000 lên 40.000 tấn/năm. Đồng thời, nâng công suất hệ thống phun sấy PAC bột từ 25.000 lên 50.000 tấn/năm, giúp tiết kiệm năng lượng, ổn định chất lượng sản phẩm.
Một điểm nhấn quan trọng là công trình nâng cao chất lượng sản phẩm PAC bột với hàm lượng Al₂O₃ ≥ 30%, nâng công suất lên 35.000 tấn/năm. Đây là công trình rất tâm huyết, không chỉ đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Phú Thọ 2020 mà còn giành giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trong lĩnh vực tái chế và tiết kiệm nguyên liệu, chúng tôi đã nghiên cứu và thiết kế dây chuyền sản xuất thu hồi muối nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Javen. Công trình này được triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật Phú Thọ 2023, giai đoạn 2 hoàn thành vào tháng 2/2025, nâng công suất Javen lên 100.000 tấn/năm. Đây là công trình tiêu biểu được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đặc biệt, dự án “Dây chuyền công nghệ sản xuất chất khử trùng các nguồn nước phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản” với công suất 9.000 tấn/năm đã hoàn thành vượt tiến độ hơn 2 tháng, vận hành đạt 100% công suất, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Kết quả tổng hợp trong giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy nỗ lực đổi mới công nghệ đã giúp chúng tôi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21,96%, doanh thu tiêu thụ hơn 7.190 tỷ đồng, lợi nhuận trên 600 tỷ đồng và mức thu nhập bình quân gần 13 triệu đồng/người/tháng. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ hóa học xanh vào thực tiễn sản xuất.
Cần lựa chọn công nghệ phù hợp với thực tiễn
- Từ thực tiễn triển khai của công ty, theo ông, các doanh nghiệp ngành hóa chất cần định hướng ra sao để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hóa học xanh trong thời gian tới?
Ông Văn Đình Hoan: Tôi cho rằng, để công nghệ hóa học xanh thật sự phát huy vai trò là đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi tư duy. Doanh nghiệp không thể xem đây là chi phí mà phải coi là đầu tư sinh lợi lâu dài. Bên cạnh đó, cần có chiến lược dài hạn về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc xây dựng đội ngũ R&D mạnh, lựa chọn những công nghệ vừa phù hợp với thực tiễn, vừa có khả năng tích hợp yếu tố xanh từ đầu vào đến đầu ra.
Doanh nghiệp cũng nên tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị cao, ứng dụng công nghệ xanh và tuần hoàn, vừa tận dụng được nguồn lực sẵn có, vừa đáp ứng xu thế tiêu dùng bền vững của thế giới. Với Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, trong giai đoạn 2025 – 2030, chúng tôi đang triển khai dự án sản xuất kinh doanh xút và các sản phẩm đồng hành với công suất 120.000 – 150.000 tấn/năm, gắn liền với quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên.
Cuối cùng, tôi kiến nghị cần có chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về nguyên liệu đầu vào như muối công nghiệp. Hiện nay, muối công nghiệp trong nước chưa đạt chất lượng và sản lượng ổn định, doanh nghiệp phải nhập khẩu với hạn ngạch còn hạn chế. Nếu Nhà nước có cơ chế tăng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối công nghiệp hoặc hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất muối chất lượng cao trong nước, sẽ giúp doanh nghiệp ngành hóa chất chủ động hơn trong sản xuất xanh, giảm phụ thuộc và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc áp dụng công nghệ hóa học xanh không chỉ là hướng đi chiến lược cho từng doanh nghiệp mà còn là nền tảng để toàn ngành hóa chất Việt Nam phát triển bền vững, thân thiện môi trường và hội nhập sâu với thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần có tư duy đổi mới, các tiếp cận mới và một chiến lược bài bản với các bước đi thực tế phù hợp với từng giai đoạn.