Nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình
Xã Thuận An được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã Lệ Chi, Dương Quang và một phần diện tích tự nhiên, dân số các xã Phú Sơn, Đặng Xá (thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) trước đây, tổng diện tích tự nhiên 2.967ha, trong đó có 94ha đất phát triển đô thị còn lại là đất khu vực nông thôn.
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, nông dân xã Thuận An đã tập trung sản xuất nông nghiệp, thực hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã Thuận An hiện có Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất hoa cắt cành với 21 hội viên tham gia, canh tác trên tổng diện tích 35.500m2. Chi hội được thành lập với mục đích tập hợp các hội viên nông dân thuộc nhóm trồng hoa trên địa bàn xã.
Chi hội cũng chủ động liên hệ với Trung tâm hoa cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau hoa quả trung ương, mời các chuyên gia về địa phương để tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa cắt cành cho 150 hội viên, nông dân.
Chia sẻ về việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông Phạm Văn Nghệ, Hội viên nông dân xã Thuận An cho hay: Không dừng lại ở diện tích đất nông nghiệp hiện có, thành viên trong Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất hoa cắt cành đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân xã và trưởng thôn, liên hệ mượn lại đất nông nghiệp của các hộ không có nhu cầu sản xuất cây vụ 3 trên đất 2 lúa, để trồng hoa lay ơn và các loại hoa khác. Nhờ đó, mô hình được mở rộng diện tích lên hơn 50.000m2.
Ngoài ra, xã Thuận An còn có mô hình trồng hoa lily tại xứ đồng Đám Mạ, thôn Chi Nam, trên diện tích 7.000m2, thời vụ trồng từ tháng 6 đến trung tuần tháng 11 hằng năm. Các mô hình trồng hoa cho thu nhập trung bình 500 - 700 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, mô hình trồng hoa lily còn giúp cải thiện chất lượng đất nông nghiệp, giảm mầm bệnh, tăng độ phì nhiêu, hỗ trợ lúa vụ xuân phát triển tốt.
Mô hình trồng hoa lay ơn tại xã Thuận An |
Tương tự, mô hình trồng nho trong nhà kính của hội viên cựu chiến binh Dương Thành Công ở thôn Bình Trù (xã Thuận An) đang cho hiệu quả khả quan. Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 1.400m2 với 280 gốc nho mẫu đơn (nho sữa Hàn Quốc) và 220 gốc nho hạ đen (giống của Trung Quốc).
Ông Dương Thành Công cho biết gia đình đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để thực hiện mô hình từ năm 2024, với các công đoạn làm nhà kính, làm giàn cho cây leo, thuê nhân công chăm sóc…
Mô hình được chính quyền địa phương hỗ trợ 50% giống cây và phân bón. Quá trình thực hiện, ông Công còn phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang để được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nho, cách lựa chọn giống, phân bón phù hợp.
Hiện nay, nho mẫu đơn đang cho thu hoạch quả, mỗi gốc khoảng 20 chùm, bình quân 4 - 5 lạng/chùm, giá bán tại vườn từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Còn nho hạ đen đang ra hoa, sau khi thu hoạch xong lứa quả nho mẫu đơn, ông Công sẽ tiếp tục được thu hoạch quả nho hạ đen.
“Nếu thời tiết thuận lợi, mô hình sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả nho/vụ, doanh thu ước đạt 250 - 300 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác để tạo thêm nguồn lợi từ mô hình trồng nho trong nhà kính”, ông Dương Thành Công chia sẻ thêm.
Nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Ông Nguyễn Trần Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An cho biết: Qua việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc cây trồng, đã giúp nông dân Thuận An nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất an toàn.
Cùng với đó, nhiều nông dân trong xã đã thay đổi tư duy, nâng cao trách nhiệm trong việc tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Các hội viên nông dân xã cũng tích cực thực hiện vệ sinh đồng ruộng, vừa giúp tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường, vừa góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Mô hình trồng nho hạ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Thuận An |
Thông tin về định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Thuận An Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: Hiện nay, xã Thuận An đã xây dựng, triển khai được một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Đơn cử như các mô hình trồng bưởi, nhãn, nho, măng tây, cúc dược liệu, hoa sen, khoai tây vụ đông, hoa lay ơn, hoa lily... Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, xây dựng, triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, phấn đấu trong năm 2025 có 9 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ.
Có thể thấy rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Đây cũng là cơ sở và lực lượng quan trọng để xã Thuận An đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; là tiền đề, nền tảng vững chắc giúp xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và phát triển thành địa phương giàu đẹp - văn minh - hiện đại - bền vững.
Trên cơ sở đó, xã Thuận An đã tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế đô thị gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và mang lại thu nhập cao cho người dân. Toàn xã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng nông nghiệp theo quy hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất tại vùng chuyên canh nông nghiệp ngày càng được gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và đáp ứng các tiêu chí Nông thôn mới.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |