Tin hot

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP


Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, thuế nhập khẩu giảm, cánh cửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào các nước WTO sẽ mở rộng hơn.

Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, thuế nhập khẩu giảm, cánh cửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào các nước WTO sẽ mở rộng hơn. Tuy phải cam kết xóa bỏ các chính sách ưu đãi doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đối với nông nghiệp, WTO vẫn cho phép tiếp tục hỗ trợ bằng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, khuyến nông, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vùng nghèo, đào tạo phát triển nhân lực, hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh, trợ giúp phát triển làng nghề v.v… nên khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam có khá nhiều cơ hội.

 

Với ngành trồng trọt, sự đa dạng về khí hậu, sự ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng và nước mặt, sự cần cù và sáng tạo của con người Việt Nam đã và đang là những thế mạnh căn bản tạo ra sự đa dạng sản phẩm cây trái. Tuy nhiên, ngay cả ở thị trường nội địa, với người tiêu dùng thông thái, sản phẩm rau quả Việt Nam cũng chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong chăn nuôi, Việt Nam có khá nhiều giống vật nuôi thuần chủng với chất lượng thịt ngon đậm, khá nhiều động vật đặc chủng, quý hiếm. Theo đánh giá của Hiệp hội Thủy sản Thế giới, Việt Nam là nước thuộc nhóm có tốc độ phát triển thủy sản nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường Việt Nam là người sản xuất nông nghiệp không muốn thực hiện và duy trì cách thức nuôi trồng nông sản an toàn vì chi phí cao, sản phẩm kém hấp dẫn về hình thức và khó bán được giá cao hơn so với sản phẩm không an toàn, trong khi người tiêu dùng lại cho rằng họ sẵn sàng trả giá cao nếu biết sản phẩm mình mua thực sự là an toàn nhưng không có cách để xác minh xem sản phẩm nào là an toàn. Vì thế, để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng an toàn tại Việt Nam, các nhà cung cấp và chế biến thực phẩm đã và đang nhập khẩu nông sản từ các nước như Thái Lan, Úc, Mỹ… Theo quy luật của kinh tế thị trường, nếu muốn có khách hàng thì nhà sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nếu nhà sản xuất đảm bảo an toàn và giữ chữ tín cho thương hiệu sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới có niềm tin, mới cam kết tiêu dùng thường xuyên với giá cao hơn.

Một thực tế khác đang diễn ra trên thị trường quốc tế là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không bán được giá cao, một số mặt hàng bị kiện vì bán phá giá, bị rút "quota" ở một số thị trường, ngay cả những sản phẩm xuất khẩu mà chúng ta đứng tốp đầu thế giới về số lượng như lúa gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, tôm, cá basa... Nguyên nhân của sự bị ép giá là sản phẩm không đồng đều, kém ổn định chất lượng, khó xác định nguồn gốc, sản lượng không lớn, chậm gom hàng... Điều này cho thấy, khi tham gia thị trường toàn cầu, nếu nông sản Việt Nam cứ tiếp tục cạnh tranh bằng giá thì không những chúng ta không thể có lãi suất cao để duy trì chất lượng thương hiệu mà còn có nguy cơ tự đánh mất thị trường xuất khẩu.

Để có lòng tin lâu dài của người tiêu dùng và chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập sâu vào hiệp định thuế của AFTA, nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản thực phẩm phải xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình, nếu không, chúng ta tiếp tục gặp rào cản khi thâm nhập thị trường thế giới và tiếp tục mất thị trường ngay trên đất Việt Nam. Việc xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu sản phẩm bao gồm 5 nhóm hoạt động sau:

  • Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý trang trại, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm hữu cơ;
  • Xây dựng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong trang trại, liên kết cách nhận biết sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm, tham gia chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn truy xuất sản phẩm như CoC, 4C…;
  • Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại sản phẩm trong nước và quốc tế (nếu cần) để tránh bị nhái, bị mất thương hiệu;
  • Quảng cáo và thông tin đầy đủ, minh bạch về sản phẩm, về nhà sản xuất, về dấu hiệu nhận biết sản phẩm cùng với những cam kết hoặc kết quả chứng nhận an toàn vệ sinh đã đạt được;
  • Tạo dựng kênh phân phối thuận tiện, hữu hiệu và bền vững cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng sản phẩm an toàn.

Thực tế cho thấy rằng, quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu và thị trường, ngành sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt nam đang đứng trước những thách thức và trở ngại không dễ dàng vượt qua:

  • Trở ngại đầu tiên phải kể đến là diện tích nuôi trồng manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, chưa có quy hoạch theo hướng sản xuất thị trường nên khó áp dụng công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại, năng suất thấp, sản lượng nhỏ, sản phẩm kém an toàn;
  • Trở ngại thứ hai là việc sử dụng nhiều loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất tăng trọng, thuốc thú y thủy sản không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục, không kiểm soát được thời gian cách ly, khó kiểm soát dư lượng hóa chất trong sản phẩm;
  • Thứ ba là công tác xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu nhìn chung còn nhỏ lẻ và sơ sài, khả năng thu thập thông tin, phân tích và dự báo về thị trường của các cơ quan nhà nước cũng như của chính các nhà sản xuất còn yếu kém nên con đường kết nối với thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn nhiều hạn chế;
  • Thứ tư, nhãn mác chưa minh bạch nên chưa tạo lòng tin cho người tiêu dùng trong nước, mẫu mã, bao bì, chủng loại hàng hoá xuất khẩu còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thói quen tiêu dùng hàng chất lượng cao của thị trường khó tính;
  • Ngoài ra, với hoạt động xuất khẩu, mặt hàng chủ yếu là hàng nguyên liệu với giá tương đối thấp, cùng với những hạn chế về mặt nguồn vốn nên sản lượng ít, không ổn định, khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chưa thể hiện cam kết bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học nên sản phẩm Việt Nam kém tính cạnh tranh.

Tình hình trên đòi hỏi các nhà sản xuất phải liên kết lại để có sản lượng lớn và ổn định hơn, trú trọng đến vấn đề thương hiệu, cạnh tranh bằng chất lượng, thực hiện truy xét nguồn gốc để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng an toàn trong nước và/hoặc xuất khẩu trực tiếp với giá cao hơn, duy trì và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trong lòng người Việt và người tiêu dùng thế giới.

Bằng việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật QCVN bắt buộc áp dụng cho ngành hàng nông nghiệp, xây dựng và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc gia VietGAP, tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, việc kết nối giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đang có những bước tiến triển khá tốt. Nếu nhà sản xuất thực sự muốn xây dựng thương hiệu cho mình thì có thể có được sự hỗ trợ kỹ thuật rất đắc lực từ các Chương trình và Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì để xây dựng phương pháp quản lý trang trại, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại.

Vấn đề mà các doanh nghiệp, trang trại thường gặp khó khăn là chứng nhận sản phẩm vệ sinh an toàn để thông tin, quảng bá và kết nối thị trường thì đến nay cũng đã bắt đầu có những nền tảng cơ bản. Bộ Nông nghiệp đang có Chương trình hỗ trợ cho các sản phẩm được chứng nhận để kết nối với các nhà phân phối, tạo nhu cầu và kênh phân phối sản phẩm an toàn trên thị trường trong nước. Một số tổ chức chứng nhận đã được Bộ Nông nghiệp chỉ định để chứng nhận sản phẩm hợp quy, chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, danh sách của các tổ chức chứng nhận này cũng dễ dàng tìm thấy trên trang web của Bộ Nông nghiệp. Việt nam cũng đã có tổ chức chứng nhận QUACERT được thế giới công nhận cho việc chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, tiêu chuẩn quốc tế này cũng đã được dịch ra tiếng Việt và tải về miễn phí trên trang web www.globalgap.org hoặc www.globalgap.vn.

Th.s. Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Giám đốc
Trung tâm Chứng nhận Phù hợp - QUACERT

(Trích Tạp chí Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng số xuân Nhâm Thìn)

Tìm kiếm chúng tôi